Tác giả: Joel S. Kaminsky
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Các bản văn của các thầy Ra-bi và ngay cả các bản văn trước các văn bản Ra-bi như sách Jubilees cho rằng Áp-ra-ham đã vượt qua một số thử thách, như thử thách Akedah (trói buộc) — câu chuyện ông trói dâng con ruột của mình là Y-sác làm của lễ được ghi lại trong Sáng-thế Ký 22. Tuy nhiên, nhiều học giả và các thầy Ra-bi đương thời không đồng ý với nhận xét trên nhưng ngược lại cho rằng hành động sẵn sàng hy sinh con trai mình của Áp-ra-ham là bằng chứng cho thấy Áp-ra-ham đã không vượt qua được thử thách mà Đức Chúa Trời đã đặt ra cho ông ta. Các học giả này cũng cho rằng Áp-ra-ham chỉ có thể vượt qua sự thử thách đó nếu ông ta ngừng hành động giết con trai mình là Y-sác. Việc Áp-ra-ham đã không đặt vấn đề với mạng lệnh của Đức Chúa Trời trong Sáng-thế Ký 22 trái ngược hoàn toàn với phản ứng mạnh mẽ của ông đối với Đức Chúa Trời về sự đau khổ của những người vô tội ở Sô-đom trong Sáng-thế Ký 18. Tuy nhiên, trở ngại chính của sự nhận xét tiêu cực của các học giả này về hành động của Áp-ra-ham trong Sáng-thế Ký 22 là cách giải nghĩa đương đại này đã gạt bỏ lập luận và sự gắn kết của cả hai phân đoạn Kinh Thánh được nêu trên. Sáng-thế Ký 22 nói rõ về việc Đức Chúa Trời ban thưởng cho Áp-ra-ham vì ông đã sẵn sàng hy sinh Y-sác. Cái nhìn tiêu cực của các học giả đương đại này về hành động của Áp-ra-ham trong Sáng-thế Ký 22 cũng gạt bỏ các truyền thống giải nghĩa Do Thái và Cơ-đốc giáo đã được phát triển từ đó. Nghi thức lễ hội Do Thái dựa trên các nguồn midrashic trước đó đã tạo lên mối liên kết chặt chẽ giữa Akedah và Rosh Hashanah (“Đầu Năm,” Tết của người Do Thái). Nghi thức lễ hội này liên kết tiếng còi của sừng con cừu đực (shofar) thổi trong dịp lễ Rosh Hashanah với con cừu đực mà Áp-ra-ham dâng lên thế cho Y-sác; âm thanh từ cái sừng của con cừu đực (shofar) nhắc nhở Đức Chúa Trời về sự vâng phục của Áp-ra-ham để Ngài tha thứ cho con cháu của Áp-ra-ham vì hành động vâng phục của Áp-ra-ham. Trên thực tế, khi lễ hội kéo dài thành hai ngày ở Diaspora (Thời kỳ xa quê hương), Sáng-thế Ký 22 đã trở thành bài đọc Torah trong nhà hội vào ngày thứ hai của Rosh Hashanah (“Đầu Năm”). Theo truyền thống Do Thái, vào dịp lễ Đầu Năm Đức Chúa Trời sẽ quyết định có nên ban cho mỗi người một cơ hội để sống thêm một năm nữa hay không, và trong dịp này Ngài cũng xác định loại năm nào, tốt hay xấu, mà mỗi cá nhân và cộng đồng Do Thái sẽ trải qua. Quyết định này của Đức Chúa Trời được niêm phong mười ngày sau, vào ngày Yom Kippur (Ngày Chuộc Tội). Giống như Áp-ra-ham và Y-sác trong câu chuyện về Akedah (theo truyền thống hậu thánh kinh Do Thái, Y-sác thường được mô tả như một người trưởng thành đồng ý với quyết định của cha mình), trong dịp lễ này cộng đồng Do Thái đứng trước Đức Chúa Trời và công khai thừa nhận rằng Chúa có quyền tối thượng trên đời sống của họ và Chúa có thể chọn để thực hiện quyền tối thượng đó bất cứ lúc nào. Truyền thống Do Thái cũng nhận biết rằng Đức Chúa Trời hay mở rộng lòng thương xót một cách rất bí ẩn, như việc Ngài tha thứ cho Áp-ra-ham tội hy sinh con trai yêu dấu của mình là Y-sác. Cùng một thể ấy, nếu chúng ta không phải chịu sự phán xét vì những hành động sai trái của chúng ta và được ban cho thêm một năm nữa để tiếp tục sống, chúng ta giống với Y-sác khi được thoát chết. Lễ Đầu Năm gợi ý rằng chúng ta phải sống một đời sống mà chúng ta được ban cho trong năm tới để phục vụ Chúa, là Đấng có lòng thương xót cho chúng ta như Ngài đã thương xót Áp-ra-ham và Y-sác. Mặc dù chúng ta có thể không thoải mái với khái niệm về việc dùng mạng sống của con người để làm của tế lễ, nhưng Kinh Thánh sử dụng mô típ này để làm sinh động trung tâm điểm của cả truyền thống Do Thái và Cơ Đốc giáo, đó là Đức Chúa Trời có thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống của chúng ta; cho nên chúng ta nên sống một đời sống có định hướng và dành riêng cho Đức Chúa Trời.